Top 8 # Xem Nhiều Nhất Xử Lý Tài Sản Bảo Đảm Theo Nghị Quyết 42 Mới Nhất 3/2023 # Top Like | Athena4me.com

Xử Lý Nợ Xấu Theo Nghị Quyết 42: Nút Thắt Là Tài Sản Đảm Bảo

Các chuyên gia cho rằng, để quá trình xử lý nợ xấu mang lại hiệu quả cao hơn, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cần nhanh chóng, chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc.

Đến nay, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42) đã đi được hơn 1/3 chặng đường thực hiện. Dù kết quả đã đạt được là khá rõ nét, nhưng theo các chuyên gia và những người thực hiện xử lý nợ trực tiếp thì vẫn còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ để Nghị quyết 42 phát huy hiệu quả cao hơn…

Đi vào thực chất

Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực đánh giá cách thức quản lý, theo dõi, đánh giá nợ xấu có bước tiến rõ nét làm động lực thúc đẩy xử lý nợ xấu theo hướng chủ động và thực chất hơn. Theo đó, tại Đề án 1058 về “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020,” mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu gộp (gồm nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn) về mức 3% đến năm 2020 đã được đưa ra thay cho chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu thường thấy trước đây.

Cũng theo ông Lực, việc đưa ra mục tiêu tỷ lệ nợ xấu gộp đã giúp cho công tác quản lý nợ xấu tại các cơ quan quản lý cũng như tổ chức tín dụng đi vào thực chất hơn, tạo động lực và cả áp lực đối với hệ thống các tổ chức tín dụng trong việc tích cực, chủ động xử lý nợ xấu.

Chính vì vậy, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng đã giảm xuống mức 1,89% (so với mức 1,99% cuối năm 2017 và 2,46% cuối năm 2016) và tỷ lệ nợ xấu gộp khoảng 6,67% tổng dư nợ, giảm mạnh so với mức 10,08% vào cuối năm 2016 và 7,36% cuối năm 2017.

Tại buổi công bố kết quả hoạt động quý 1, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng Một, ước tính toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 204.400 tỷ đồng nợ xấu, ước đạt trên 40,1% tổng số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42. Riêng năm 2018 đã xử lý được 113.400 tỷ đồng, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng ước đạt 117.200 tỷ đồng.

Bà Hồng cho biết, kết quả xử lý nợ xấu như vậy là rất khả quan. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đang được duy trì dưới 2%.

Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh, đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Còn nhiều vướng mắc

Chủ tịch Hội đồng quản trị VAMC Nguyễn Tiến Đông cho biết, hiện tại, VAMC cũng như tổ chức tín dụng đang gặp một số vướng mắc trong quá trình triển khai theo Nghị quyết 42.

Đơn cử, việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn rất hạn chế, thứ tự ưu tiên xử lý trong vụ việc có nhiều tài sản thi hành án được hiểu và áp dụng khác nhau. Trong chuyển nhượng dự án bất động sản cũng gặp vướng mắc. Sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương vẫn chưa đồng đều do cách hiểu khác nhau, nên có nơi hỗ trợ rất tốt, nhưng có nơi vẫn chưa tích cực…

Ông Đông nhấn mạnh, giải quyết những vấn đề lớn này cần sự vào cuộc chung của toàn hệ thống để chỉnh sửa kịp thời các quy định được đặt ra như Bộ Tài chính có quy định cụ thể về nghĩa vụ thuế như thế nào, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn chuyển nhượng dự án bất động sản ra sao…

Theo Nghị quyết 42, quyền thu giữ tài sản bảo đảm đi kèm với điều kiện hồ sơ thế chấp phải có thỏa thuận về điều khoản thu giữ tài sản bảo đảm, trong khi đó tính đến thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, nhiều hợp đồng thế chấp chưa có điều khoản này. Vì vậy, các tổ chức tín dụng cần đàm phán với bên vay để điều chỉnh hợp đồng.

Ngoài ra, ngay cả với những khoản vay đáp ứng được điều kiện này thì việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng vẫn cần đến sự hỗ trợ của cơ quan công an các cấp. Tuy nhiên, đến nay Bộ Công an vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về cơ chế, cách thức thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp bên bảo đảm chống đối, không hợp tác. Do đó, việc thu giữ tài sản bảo đảm thành công hay không hiện nay phụ thuộc khá nhiều vào thiện chí của bên vay (bên bảo đảm).

Các chuyên gia cho rằng, để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu đề ra, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cần nhanh chóng, chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc nêu trên. Đồng thời, cần nghiêm túc thực hiện đánh giá kết quả thực hiện giữa kỳ vào thời điểm cuối năm 2019…

Xử Lý Tài Sản Bảo Đảm Theo Nghị Quyết 42: Ách Tắc Khâu Kê Khai Thuế Và Nộp Thuế

Xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42: Ách tắc khâu kê khai thuế và nộp thuế

Luật sư Trần Quang Vinh

(TBKTSG) – Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2017. Một số TCTD đã thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của Nghị quyết 42 như áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm và xử lý thu hồi nợ.

Các bước thông báo thu giữ tài sản bảo đảm, bán tài sản, công chứng hợp đồng mua bán tài sản, nộp hồ sơ đăng bộ sang tên tại các văn phòng và chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đang diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, khi đến khâu kê khai thuế thì các hồ sơ đều gặp vướng mắc. Hiện nay, cơ quan thuế, mà cụ thể là các chi cục thuế, không nhận hồ sơ hoặc nhận nhưng cho biết còn phải chờ hướng dẫn của Tổng cục Thuế, cục thuế về việc kê khai thuế và nộp thuế. Một số cơ quan thuế còn khuyên khách hàng là cứ đồng ý nộp thuế thu nhập đi để cơ quan thuế giải quyết cho nhanh.

Tinh thần Nghị quyết 42 là khá rõ ràng trong việc ưu tiên cho việc thu hồi nợ xấu.

Ngoài ra, điều 12 của Nghị quyết 42 còn quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm như sau: “Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, tinh thần Nghị quyết 42 là khá rõ ràng trong việc ưu tiên cho việc thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, hiện nay đa số các cơ quan thuế đều chọn giải pháp thận trọng là chờ có hướng dẫn cụ thể của Tổng cục Thuế rồi mới giải quyết hồ sơ. Trong khi, trên thực tế, có những trường hợp người mua tài sản bảo đảm phải đi vay tiền, họ phải trả lãi vay trong khi tài sản chưa sang tên được thì không thể đưa vào khai thác và sử dụng.

Ngoài ra, vì điều 12 của nghị quyết có nói ưu tiên thu nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm… nên có thể hiểu tinh thần của điều này là sau khi TCTD thu nợ từ xử lý tài sản bảo đảm mà vẫn còn dư thì sẽ ưu tiên thu thuế cho ngân sách rồi mới đến thực hiện các nghĩa vụ không có bảo đảm khác. Do đó, nghị định cần quy định vẫn phải thực hiện việc kê khai thuế trên các tờ khai thuế theo biểu mẫu tờ khai hiện hành, đồng thời cho phép bên nhận bảo đảm là TCTD được quyền kê khai thay cho bên bảo đảm và TCTD được ký tên, đóng dấu trên các tờ khai này. Ngoài ra, cho phép bên nhận bảo đảm được quyền chủ động trích từ tiền bán tài sản bảo đảm còn dư (sau khi thu hồi nợ xấu) để nộp thuế, phí, lệ phí. Sau đó số tiền còn lại (nếu có) mới được hoàn trả cho bên bảo đảm.

Về các loại hồ sơ, giấy tờ cần nộp khi thực hiện đăng bộ, sang tên, kê khai thuế và nộp thuế, nghị định cần có hướng dẫn cụ thể theo hướng đơn giản hóa hơn so với thủ tục mua bán thông thường để đảm bảo áp dụng thống nhất trong cả nước nhằm tránh trường hợp mỗi cơ quan, ban ngành địa phương khác nhau lại yêu cầu những loại giấy tờ khác nhau. Đồng thời, quy định về thời gian giải quyết hồ sơ cũng cần được rút ngắn hơn so với thủ tục thông thường nhằm phát huy tính mục tiêu/hiệu quả của Nghị quyết 42 là hỗ trợ công tác xử lý nợ xấu được nhanh chóng và triệt để hơn.

Vamc Bắt Đầu Xử Lý Nợ Theo Nghị Quyết 42: Sài Gòn One Tower Bị Thu Giữ Tài Sản Đảm Bảo

VAMC bắt đầu khởi động thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu theo NQ42

Theo VAMC, việc thu giữ được thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc thực hiện Nghị quyết số 42, ngày 21/8/2017.

Trước đó, VAMC đã ký Hợp đồng mua nợ với một số tổ chức tín dụng đối với khoản nợ của nhóm khách hàng bao gồm: Công ty CP Sài Gòn One Tower (trước đây là Công ty CP Địa Ốc Sài Gòn M&C); Công ty CP Đầu tư Liên Phát; Công ty CP TVĐT và XD Minh Quân; Công ty CP Tân Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) đến thời điểm hiện nay đã lên trên 7.000 tỷ đồng. Mặc dù VAMC đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, làm việc và yêu cầu nhóm khách hàng nêu trên thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên khách hàng không thực hiện và cũng không có phương án trả nợ khả thi.

VAMC đã yêu cầu Công ty CP Sài Gòn One Tower bàn giao tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm đối với toàn bộ nghĩa vụ của các khách hàng gồm Công ty Cổ phần Sài gòn One Tower, Công ty CP Đầu tư Liên Phát, Công ty CP TV ĐT và XD Minh Quân, Công ty CP Tân Superdeck M&C. Đến nay, Công ty CP Sài Gòn One Tower vẫn không thực hiện bàn giao tài sản.

Vì vậy, VAMC đã triển khai thu giữ tài sản bảo đảm là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh để xử lý nhằm thu hồi nợ. Quá trình thu giữ đã tuân thủ theo đúng trình tự quy định tại Điều 7 Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trong quá trình thu giữ, VAMC đã nhận được sự phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Quá trình thu giữ tài sản bảo đảm đã diễn ra thuận lợi và đúng theo quy định của pháp luật.

Xác định đây là khoản nợ lớn, việc VAMC thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm sẽ góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42, đồng thời mang tính cảnh báo đến các khách hàng có nợ xấu nhằm nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng cho VAMC cũng như TCTD.

Xử Lý Tài Sản Bảo Đảm Theo Nghị Quyết Về Xử Lý Nợ Xấu: Vẫn Còn Những Điểm Trừ

Bùi Đức Giang (*)

Một số quy định mới

Điều 10, Nghị quyết 42 đề cập đến việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) là dự án bất động sản. Do điều luật này không quy định dự án Bất động sản thế chấp bắt buộc phải là dự án đầu tư xây dựng nhà ở nên có vẻ gián tiếp thừa nhận giá trị pháp lý của việc nhận thế chấp dự án bất động sản khác như dự án xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà máy, công trình thủy điện… – vốn vẫn là một điểm chưa rõ trong Pháp luật hiện hành. Thực ra dưới góc độ khoa học pháp lý đơn thuần, rất khó có thể coi dự án là một loại tài sản để đưa vào giao dịch và theo thông lệ Quốc tế thì TSBĐ thường là quyền phát sinh từ các hợp đồng thuộc dự án!

Khi xử lý thế chấp dự án bất động sản, tổ chức tín dụng (TCTD) phải chuyển nhượng (bán) dự án này cho một bên thứ ba. Về điểm này, điều 10, Nghị quyết 42 quy định “bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về Kinh doanh bất động sản; kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng”.

So với quy định của Luật Nhà ở thì quy định này có vẻ linh hoạt và tạo thuận lợi hơn cho việc xử lý dự án được thế chấp. Bởi vì, theo Luật Nhà ở, bên nhận chuyển nhượng dự án ngoài việc phải có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở, còn phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự án – vốn thường được hiểu là bước bắt buộc trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng dự án.

Một điểm đáng chú ý khác là điều 7, Nghị quyết 42 công nhận quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận bảo đảm là TCTD. Theo đó, TCTD được thực hiện quyền này nếu: (i) xảy ra trường hợp xử lý TSBĐ (được hiểu là phát sinh căn cứ xử lý TSBĐ); (ii) trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ TSBĐ khi xử lý; (iii) giao dịch bảo đảm đã được đăng ký hợp lệ; (iv) TSBĐ không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền; không đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật; và (v) TCTD đã hoàn thành việc công khai thông tin về việc thu giữ TSBĐ.

TCTD có hay không có quyền thu giữ TSBĐ là một vấn đề gây tranh cãi từ thời điểm Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực (ngày 1-1-2017) bởi cách tiếp cận còn khá “mập mờ” của bộ luật này.

Trong số các điều kiện để thực hiện quyền thu giữ TSBĐ nêu trên thì điều kiện về việc phải có điều khoản hợp đồng theo đó bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ TSBĐ khi xử lý có thể ít nhiều “làm khó” một số TCTD mà mẫu hợp đồng bảo đảm không có điều khoản dạng này.

Cũng cần lưu ý là điều 7, Nghị quyết 42 đã chính thức quy định: (i) nghĩa vụ của UBND cấp xã nơi tiến hành thu giữ TSBĐ tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ TSBĐ trong trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của TCTD, và (ii) trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự của cơ quan công an các cấp khi TCTD thực hiện quyền thu giữ TSBĐ.

Còn những điểm trừ?

Thông thường TCTD sẽ thực hiện việc xử lý TSBĐ khi bên vay không trả được nợ gốc và/hoặc lãi (thường ít gặp hơn), tức là khi đã phát sinh nợ quá hạn, bao gồm cả các khoản nợ thuộc nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) và nhóm 2 (nợ cần chú ý). Việc tồn tại song song hai cơ chế pháp lý để xử lý nợ quá hạn là chưa thực sự hợp lý bởi suy cho cùng nợ quá hạn dù thuộc nhóm nào thì việc thu hồi thông qua việc xử lý được một cách hiệu quả TSBĐ cũng cần thiết và đấy chính là khi mà biện pháp bảo đảm phát huy tác dụng.

Nhìn một cách tổng thể, mặc dù còn một số hạn chế song có thể thấy các quy định về giao dịch bảo đảm trong Nghị quyết 42 được thiết kế theo hướng chi tiết hơn, thông thoáng hơn và ít nhiều tạo điều kiện thuận lợi hơn cho TCTD so với quy định hiện hành về giao dịch bảo đảm. Liệu có thể suy nghĩ một cách lạc quan rằng quy định về xử lý TSBĐ trong Nghị quyết 42 sẽ truyền cảm hứng cho việc soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự 2015 hay sửa đổi các hạn chế trong chính các quy định về giao dịch bảo đảm của bộ luật này?

(*) Tiến sĩ Đại học Paris 2, Pháp