Vấn đề luật sư Việt Nam chưa “đủ tầm” để tranh tụng quốc tế đang được đề cập trên các diễn đàn ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Đặc biệt, sau khi một số doanh nghiệp bị kiện và thua tại các cơ quan tài phán nước ngoài. Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng và đại diện của giới luật sư đầu tháng 12 năm 2009, Thủ tướng thấy rằng “Việt Nam thiếu những luật sư đủ tầm cỡ cả về năng lực chuyên môn lẫn ngoại ngữ để tham gia tranh tụng quốc tế”. Bộ Tư Pháp có hẳn một đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế”, ngõ hầu tìm giải pháp cho vấn đề này.
Khoảng trống điều kiện
Theo một khảo sát của Bộ Tư pháp năm 2008, Việt Nam có khoảng 1,2% luật sư (khoảng 60 người) có thể sử dụng tiếng Anh trong hoạt động chuyên môn, tham gia thương lượng, đàm phán và tranh tụng trực tiếp. Cũng theo khảo sát này, số luật sư hành nghề chuyên về lĩnh vực thương mại chỉ chiếm 7,9%, nhưng chủ yếu là trong lĩnh vực doanh nghiệp, chứ còn khá ít ở những lĩnh vực đặc thù như hàng hải, ngân hàng… nếu con số này là chính xác thì quả thực đó là một vấn đê lớn cho công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Đề án của Bộ Tư Pháp đặt ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020 số luật sư chuyên về thương mại chiếm khoảng 50%-60% tổng số luật sư trong cả nước, trong đó số luật sư có trình độ ngang tầm với các luật sư trong khu vực chiếm khoảng 3% đến 5% tổng số luật sư trong cả nước“.
Thứ nhất, để đào tạo được một người luật sư giỏi thì không chỉ là thay đổi phương pháp và nội dung đào tạo tại trường luật hay trường nghề luật, hoặc hỗ trợ về tài chính để họ đi học, mà phải tạo cho người luật sư có môi trường hành nghề chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp của nghề luật sư không phải là “chạy mánh”, “quan hệ” hay “tiểu xảo pháp lý”, mà phải là việc “bán” kiến thức pháp lý của mình. Khi người luật sư kiếm sống bằng chính kiến thức thì kiến thức sẽ được trau dồi, và xã hội sẽ nhìn nhận nghề luật sư là “đáng tin” để có thể đem lại sự công bằng.
Môi trường hành nghề đó là một xã hội được điều chỉnh bằng Nhà nước pháp quyền. Cần nhấn mạnh rằng nếu xã hội không được điều chỉnh bằng một Nhà nước pháp quyền thì xã hội và bản thân người luật sư vẫn không thể tư duy một cách đúng đắn về vai trò và bản chất nghề nghiệp của luật sư. Hiện nay, dường như nhiều người vẫn hiểu chưa đầy đủ về vai trò của luật sư. Họ coi hoạt động của luật sư gắn liền với các hành vi kiện tụng. Mà tập quán của người Việt Nam coi “vô phúc đáo tụng đình” nên càng cố gắng tránh xa mối quan hệ với luật sư.
Người luật sư trong xã hội pháp quyền trước hết sẽ là người tư vấn cho những ai có nhu cầu sử dụng pháp luật, bao gồm người dân và Nhà nước. Nhu cầu sử dụng pháp luật trong một xã hội pháp quyền không chỉ là nhu cầu dùng luật để bảo vệ mình, mà còn dùng luật để đảm bảo rằng mình đã tuân thủ đúng các quy tắc xử sự chung (đây có thể là sự khác biệ giữa pháp quyền và pháp trị).
Người luật sư hoàn toàn được bảo vệ cho tính độc lập của mình khi đưa ra những ý kiến pháp lý. Các cơ quan Nhà nước luôn tạo điều kiện để bảo vệ sự độc lập của người luật sư. Muốn đạt được như vậy trong bối cảnh Việt Nam đang trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thì điều đầu tiên các cơ quan hành chính Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải làm đó là tôn trọng và tạo điều kiện cho luật sư được hành nghề theo đúng bản chất nghề nghiệp. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của nghề luật sư.
Thứ hai, cũng cần nhấn mạnh rằng để “luật sư có trình độ ngang tầm khu vực” thì người luật sư đó phải được hành nghề trong môi trường pháp luật ở “tầm khu vực”. Nếu không, luật sư Việt Nam sẽ nhìn hệ thống pháp luật nước ngoài, hệ thống xét xử nước ngoài theo “lăng kính” của hệ thống nội địa. Nhiều luật sư, quan chức của Việt Nam phát biểu rằng: “chúng ta thua tại các vụ kiện pháp lý ở nước ngoài là vì thường tòa án/trọng tài nước ngoài sẽ bênh vực công dân của nước họ”, hay “chúng ta là nước nhỏ nên rất khó thắng trong các vụ kiện quốc tế vì cơ quan tài phán thường e ngại những nước lớn”, hoặc “chúng ta cần đấu tranh vận động tòa án hoặc chính phủ ngoài thông cảm”… Những ý kiến trên có thể đúng trong một số ít vụ kiện và đối với một số quan tòa nước ngoài, nhưng không phải là đa số các vụ kiện ở nước ngoài.
Có lẽ cần phải nhắc lại rằng, Nhà nước pháp quyền luôn luôn tôn trọng sự độc lập của các cơ quan tư pháp. Nhiều cơ quan tài phán ở những quốc gia có nền pháp lý tôn trọng nguyên tắc pháp quyền sẽ luôn luôn độc lập khi đưa ra phán quyết. Việc sai hay đúng trong mỗi vụ kiện thường phải được trên luật pháp và bằng chứng mà cơ quan tài phán có được.
Hơn nữa, cũng cần nhắc lại rằng pháp luật được hình thành để điều chỉnh mối quan hệ xã hội, do đó pháp luật của mỗi quốc gia có nhiều yếu tố của nền văn hóa của quốc gia đó. Tỷ dụ như luật sư nước ngoài sẽ không thể hiểu rõ những tư tưởng lập pháp trong các quy định pháp luật Việt Nam bằng người Việt Nam. Do đó, họ thường hợp tác với luật sư Việt Nam để có thể tư vấn và bảo vệ khách hàng một cách tốt nhất thông qua việc so sánh pháp luật.
Đừng nhìn ngắn cho mục tiêu dài
Một người Việt Nam được học luật ở nước ngoài từ cử nhân lên đến tiến sĩ luật thì anh ta có thể trở thành nhà nghiên cứu luật, giáo sư dạy luật giỏi ở nước ngoài nhưng khó có thể trở thành những luật sư giỏi ở nước ngoài. Do đó, sẽ có thể trở thành viển vông nếu như Việt Nam chú trọng đào tạo trong vòng 10 năm để có những luật sư ngang tầm khu vực thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài. Những kinh nghiệm mà các luật sư Việt Nam có được từ các văn phòng luật sư nước ngoài mới chỉ là những kiến thức về kỹ năng hành nghề của nước ngoài chứ chưa hoàn toàn đạt được kiến thức về văn hóa, xã hội, (hoặc góc độ khác là vốn xã hội) của nước ngoài.
Như vậy, để luật sư Việt Nam có thể ngang tầm khu vực thì Việt Nam cần phải có một giải pháp có tính tổng thể và lâu dài hơn là những đề án ngắn hạn cho những mục tiêu lớn lao. Tóm lại, nghề luật sư giống như bác sỹ là đều phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống và các điều kiện sống. Luật sư tranh tụng cũng giống như người bác sỹ ngoại khoa phẫu thuật để chữa trị những bộ phận của cơ thể đã hỏng. Luật sư tư vấn giống như người bác sỹ tư vấn để giúp cho cơ thể luôn luôn được khỏe mạnh mà có thể không cần phẫu thuật. Hy vọng ví dụ đơn giản này sẽ giúp cho mọi người có thể hiểu rõ hơn về nghề luật sư.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang Tham luận từ cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ và đại diện giới luật sư đầu tháng 12 năm 2009